[Anime Review] Re:CREATORS – Ở thời khắc những câu chuyện giao thoa, trận chiến vì thế giới đã chính thức khai màn!
Re:CREATORS là một trong số ít những tác phẩm anime thu hút mình ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi mình được biết về ý tưởng của nó. Ý tưởng về một thế giới thực nơi quy tụ hàng loạt nhân vật từ những tác phẩm hư cấu của thế giới thực đó, và để họ giao chiến với nhau trên hành trình giải cứu thế giới. Đâu phải lúc nào cũng có một ý tưởng gốc đầy tiềm năng đến thế này chứ? Ấy là còn chưa nói đến 2 cái tên nổi bật khác cũng góp mặt vào Re:CREATORS là Ei Aoki và Hiroyuki Sawano; với Ei Aoki là người từng đứng sau chỉ đạo những tác phẩm nổi bật của studio Ufotable như Kara no Kyoukai hay Fate/Zero, còn Hiroyuki Sawano thì ai cũng biết rồi khi mà anh đã tạo được tiếng vang cho riêng mình với hàng loạt những bản nhạc chất lượng cho nhiều bộ anime khác nhau (tiêu biểu như Attack on Titans hay Guilty Crown). Vậy nên lập tức mình đã mở tập 1 của Re:CREATORS lên để xem và cuối cùng, sau khi hoàn thành cả 22 tập phim thì trong mình đã có khá nhiều cảm xúc, vì dường như đã lâu lắm rồi mình không có một trải nghiệm như thế với một bộ anime. Vậy nên cuối cùng mình đã quyết định làm một bài cảm nhận về bộ anime này, cũng chính là bài các bạn đang đọc đây. Giờ thì không dài dòng nữa, chúng ta vào bài thôi nào.
• Thông tin chung:
Tựa đề khác của tác phẩm: レクリエイターズ (Re:Kurieitāzu), Đấng Sáng Tạo.
Thời lượng: 22 tập.
Thể loại: Hành động, giả tưởng.
Đạo diễn: Ei Aoki.
Sản xuất: Shizuka Kurosaki.
Biên kịch: Ei Aoki, Rei Hiroe.
m nhạc: Hiroyuki Sawano, Tielle & Gemie, Aimee Blackschleger, Eliana, Mashiro Ayano, Aki Toyosaki, Sangatsu no Phantasia.
Năm ra mắt: 2017.
Studio sản xuất: TROYCA.
Điểm số tại My Anime List: 7,57.
• Tóm tắt nội dung:
Mizushino Souta, một cậu học sinh cấp III có sở thích vẽ tranh trong lúc đang xem bộ anime Elemental Symphony of Vogelchevalier thì đã vô tình bị kéo vào thế giới của bộ anime ấy. Khi quay lại thế giới hiện thực thì cậu mới ngỡ ngàng nhận ra mình cũng đã kéo theo Selesia Upitiria – Nữ chính của Elemental Symphony of Vogelchevalier đến thế giới của cậu.
Tiếp sau đó, hàng loạt những nhân vật từ các tác phẩm manga, anime, light novel, game… khác cũng đã liên tục xuất hiện. Tuy nhiên có một người nổi bật hơn cả, đó là cô gái khoác trên mình bộ quân phục đi kèm mái tóc trắng dài, được tạm gọi là “Quân phục công chúa”. Không ai biết cô ta đến từ đâu, do ai tạo ra cả. Tuy nhiên dường như cô ta hiểu biết rất rõ về thế giới đã tạo ra những nhân vật kia và muốn tập hợp họ lại, để phục vụ cho mục đích bí ẩn của bản thân.
Để tìm hiểu sự thật đằng sau tất cả, Souta cùng Selesia đã liên minh với Meteora Österreich – Một NPC trong tựa game AVALKEN of Reminisce . Và dần dần tất cả phát hiện ra một kế hoạch có thể phá huỷ cả thế giới, liệu có cơ hội nào để ngăn chặn được nó?
• Đánh giá và phân tích:
Mình quả thực có rất nhiều điều để nói, để chia sẻ về Re:CREATORS với các bạn nhưng tuy nhiên để hợp lý nhất thì mình nghĩ rằng chúng ta nên bàn về cốt truyện, thứ mà tác phẩm nào cũng phải có trước. Dù cho có trong bản thân một ý tưởng khá độc đáo là quy tụ những nhân vật từ các tác phẩm hư cấu lại, nhưng nếu xét tổng thể thì Re:CREATORS vẫn là một bộ anime hành động giả tưởng, với cốt truyện ngăn chặn một kẻ muốn trả thù và phá huỷ thế giới thường thấy ở nhiều bộ anime khác. Tuy nhiên như vậy không phải là một điều tệ vì cốt truyện của Re:CREATORS cũng đủ; nó vẫn có những bước ngoặt đủ để làm người xem như mình phải đội mũ bảo hiểm vì cua gắt quá, vẫn có những khoảnh khắc đáng giá đem đến nhiều cảm xúc khó quên, hay thậm chí còn lồng ghép cả vấn đề xã hội vẫn còn nhức nhối đến tận hôm nay nữa. Để cụ thể hơn thì vấn đề xã hội được đề cập và khai thác trong Re:CREATORS chính là việc sử dụng mạng xã hội.
Mạng xã hội bây giờ quả thực đã vô cùng phát triển và dễ để truy cập với đa số người dân, có thể dùng làm một nơi để kết bạn, giao lưu với những người có chung sở thích mà ngoài đời khó tìm được. Chẳng hạn như là nhân vật chính của chúng ta trong Re:CREATORS là Mizushino Souta, chính nhờ có mạng xã hội mà cậu trai cô đơn trầm tính ít bạn bè ngoài thế giới thực mới có thể tìm gặp và làm thân được với Shimazaki Setsuna, cô gái họa sĩ xinh đẹp có chung sở thích và hoàn cảnh cô đơn với cậu. Thậm chí chính Nagasawa Masami mình cũng nhờ có nền tảng mạng xã hội Facebook này mà mới có thể làm quen với nhiều người cùng sở thích, rồi sau đó làm việc cho page AR2D đây. Tuy nhiên chính mạng xã hội cũng tồn tại mặt tối, là nơi có thể diễn ra những bi kịch, cụ thể là đến từ việc cyberbully (bắt nạt trên mạng). Hình thức của cyberbully cũng đa dạng, từ việc mọi người đăng những bình luận miệt thị, chia sẻ những bài đăng nói xấu về một cá nhân hay tập thể mà không cần biết có căn cứ hay không lên môi trường mạng xã hội,...
Nhưng vì sao lại có cyberbully? Câu trả lời đã nằm ở ngay cái tính chất của mạng xã hội, đó là “ảo”. Ở trên mạng xã hội ai cũng có thể ẩn danh được vì nó chỉ là ảo thôi, chưa kể đến là luật pháp xử lý vấn đề dân sự liên quan đến cyberbully cũng chẳng có nên có thể nói người ta gần như là thích làm gì thì làm, thích nói gì thì nói trên mạng cũng chẳng lo bị ai ngoài đời phát hiện ra rồi xử lý vì ẩn danh mà. Tuy nhiên bây giờ lại có một câu hỏi nữa được đặt ra, vì sao lại có thành phần đi cyberbully?
Câu trả lời là để thỏa mãn cái tôi của chúng. Những kẻ đi cyberbully hầu hết đều muốn chứng tỏ bản thân ta hơn người, nhưng lại không có tài cán gì nên chọn cách cyberbully để dìm người khác xuống và nâng bản thân lên. Và rồi cuối cùng hệ quả của cyberbully là như thế nào? Chỉ toàn là những sự việc đau lòng mà thôi. Không cần đi đâu xa, tại Việt Nam vào năm 2015 cũng đã từng xảy ra một vụ việc đau lòng như thế, khi mà một cô bé 15 tuổi đã bị bạn đăng tải video cá nhân lên mạng rồi cuối cùng quyết định tự sát. Hay vào năm 2016, một cô bé học sinh THCS đã bị một nhóm tấn công đánh đập và quay clip làm nhục, sau đó đưa lên mạng. Em phát hiện ra đoạn clip đó đã bị mọi người chia sẻ, rồi còn đọc phải những bình luận khiếm nhã từ phía cộng đồng mạng. Vào ngày hôm sau, mẹ của em thấy em đã treo cổ tự tử.
Và cô gái Shimazaki Setsuna, dù chỉ là một nhân vật hư cấu thôi nhưng cô cũng phải chịu đựng nỗi đau như vậy.
Shimazaki Setsuna đã phải chịu những lời đồn vô căn cứ về việc đạo nhái tranh của người khác, hằng ngày đều phải đọc những bình luận mang tính miệt thị và chửi rủa bản thân dù cô không hề làm gì sai cả,... Không có ai ở bên giúp đỡ cô ở thế giới thực, không có lấy một lời an ủi hay một lời giúp đỡ nào từ gia đình hay người thân bạn bè. Đến cuối cùng, Shimazaki đã đưa ra một quyết định sau những tháng ngày chịu đựng cyberbully không ngừng nghỉ, cô nhảy xuống đường ray tàu điện tự sát. Câu chuyện nhỏ nhưng đầy đau đớn của Shimazaki Setsuna giống như là một bài học của đội ngũ đạo diễn và biên kịch làm nên Re:CREATORS vậy, rằng mạng xã hội cũng là một môi trường mà lời nói có thể dùng làm con dao đâm vào tim người khác. Và mỗi chúng ta, những cá nhân đang sử dụng mạng xã hội phải có ý thức và trách nghiệm trong việc phòng tránh cùng với đó là ngăn chặn cyberbully.
Nhưng nếu chỉ nói về Shimazaki Setsuna mà không nói về Mizushino Souta, nhân vật đóng vai trò trung tâm kể chuyện của Re:CREATORS thì quả thực quá đáng tiếc. Xuyên suốt Re:CREATORS cậu đã có cho mình một hành trình phát triển riêng song song với câu chuyện giải cứu thế giới vốn là chủ đề chính mình đã nêu ở đầu kia. Hành trình phát triển đó là cuộc đồng hành cùng bạn bè để vượt qua cảm giác tội lỗi và sự ám ảnh của bản thân trong cái chết của Setsuna. Souta ngày xưa dù thân hay thậm chí còn có tình cảm nữa nhưng đã luôn ghen tị với Setsuna, vì cô giỏi và có tài năng hơn cậu trong việc vẽ tranh. Đứng cạnh Setsuna, Souta luôn cảm thấy rằng bản thân mình kém cỏi nhỏ bé, khát khao muốn vượt lên trên cô. Để rồi đến khi Setsuna bị vu oan đạo tranh và gánh chịu cyberbully, Souta đã không cứu giúp cô. Cậu một phần sợ phản ứng đám đông của cộng đồng mạng khi bênh vực Setsuna, nhưng quan trọng hơn khi thấy Setsuna trong mình cậu đã thấy thoả mãn. Thoả mãn vì cảm giác đứng trên Setsuna vào lúc đó. Để rồi cuối cùng... khi Setsuna tự sát thì cậu mới hối hận, rằng vì sao cậu đã không giúp đỡ cô sớm hơn? Cậu thấy rằng lúc đó chính cậu đã góp phần vào cái chết của Setsuna, góp phần đẩy cô xuống đường ray chết chóc.
Nhưng đồng thời với việc vượt qua nỗi đau, tìm kiếm một sự tha thứ cho bản thân từ sau cái chết của Setsuna thì Souta vẫn còn một thứ nữa đã phát triển xuyên suốt hành trình của Re:CREATORS, đó là về tâm lý khi sáng tạo nên một thứ gì đó.
Ở thế giới thực mà Re:CREATORS khắc hoạ cũng phần nào giống với thế giới thực của chúng ta. Đó là thế giới đầy thú vị, đa dạng và có chiều sâu vô cùng. Cũng chính nhờ bản chất đó của thế giới thực mà con người mới có thể sáng tạo nên những thế giới hư cấu khác, những câu chuyện hư cấu khác hay những tác phẩm hư cấu khác nữa. Những người đó được gọi là CREATORS - Sáng tạo sư trong thế giới của Re:CREATORS (ở thế giới của chúng ta thì là người sáng tạo, tác giả, hoạ sĩ,...). Mizushino Souta cũng muốn trở thành một sáng tạo sư sau khi được chiêm ngưỡng biết bao tác phẩm thú vị từ các sáng tạo sư khác tại thế giới thực của cậu, tuy nhiên cậu lại quá tự ti và dần mất niềm tin vào bản thân, khi những bức vẽ của cậu chẳng có nổi một sự chú ý nào, so với tranh của Setsuna và những hoạ sĩ khác thì Souta thấy những gì mình vẽ ra chẳng đáng một xu. Vậy nên sau đó cậu không vẽ nữa.
Mình cũng từng giống như Souta, khi hồi đầu bước vào thế giới của văn học. Mình đọc truyện của nhiều tác giả khác và đặc biệt yêu thích một người là Higashino Keigo (nếu có cơ hội mình sẽ làm bài về ông để đăng page sau). Sau đó chợt có một suy nghĩ thoáng qua trong đầu mình, đó là liệu mình có thể tạo ra một câu chuyện như những tác giả kia không? Thế là chẳng hiểu kiểu gì cái suy nghĩ thoáng qua đó lại trở thành một thứ mà mình quyết tâm thực hiện. Mình bắt đầu thử viết truyện, sau đó đăng lên những diễn đàn hay mạng xã hội để xin ý kiến. Nhưng sau một khoảng thời gian bị chê và ăn gạch mình bắt đầu suy nghĩ, là mình cứ viết để làm gì? Đằng nào cũng chỉ bị chê thôi chứ cũng chẳng ngang hàng người ta được, chi bằng nghỉ luôn còn nhàn hơn.
Nhưng rồi khi xem Re:CREATORS và đồng hành cùng Souta lắng nghe, trò chuyện với những sáng tạo sư khác trong bộ anime này thì dường như, mình cũng đã học được nhiều hơn giống như cậu vậy. Mình học được rằng sáng tạo sư cũng có nỗi khổ của riêng họ kể cả khi đã chuyên nghiệp, chẳng hạn như cái tôi bị tổn thương, cạnh tranh khắc nghiệt, hay thậm chí đằng sau những tác phẩm xuất sắc kia có thể là những đêm thức trắng đầy nước mắt nữa. Tuy nhiên họ không hối hận khi chọn con đường này vì khi lựa chọn làm sáng tạo sư thì ngay từ ban đầu đã xác định là sẽ phải chịu khổ như vậy rồi. Vả lại, khổ như vậy nhưng họ vẫn thấy đó là một cái giá phải trả xứng đáng để có thể sống với đam mê của mình, chia sẻ những tác phẩm mình dồn tâm huyết sáng tạo ra cho người khác. Cuối cùng, mình dường như cũng giống như Souta ở cuối Re:CREATORS. Mình muốn đi trên con đường trở thành một sáng tạo sư như cậu, mình muốn viết lên câu chuyện của riêng bản thân mình. Và thế là mình quyết định sẽ viết truyện lại, dồn hết tâm huyết vào tác phẩm hiện tại giống Souta khi dồn hết tâm huyết vui vẻ vẽ những bức tranh vậy.
Nhưng cốt truyện của Re:CREATORS vẫn còn phần nữa đáng để khen trong mắt mình, đó là nhân vật trong đó. Dàn nhân vật của Re:CREATORS cực kì đa dạng mà thể hiện rõ nhất ở các CREATIONS - Nhân vật hư cấu được các sáng tạo sư của Re:CREATORS tạo nên trong thế giới của họ. Những nhân vật hư cấu xuất hiện trong thế giới thực của bộ anime này quả thực đã được TROYCA dày công xây dựng, từ ngoại hình cho đến năng lực, tính cách lẫn cử chỉ nữa. Mỗi người đều toát lên được cái chất riêng của bản thân mình từ những chi tiết nhỏ nhất, ứng với thể loại tác phẩm mà họ góp mặt vào. Ví dụ như là Quân phục công chúa - Altair với bộ quân phục đen đầy bí hiểm đi kèm với khẩu súng máy bắt ngang vai và kiếm được sử dụng như đàn violin vậy. Rồi còn là những câu thoại, những câu thoại của Altair đã cho thấy rõ sự tinh tế lẫn đáng sợ của cô, với cách dùng từ hoa mĩ như đang làm thơ mang đầy ẩn ý. Và như đã nói ở trên, sự đa dạng. Bạn muốn kì ảo đen tối (dark fantasy)? Re:CREATORS đem đến cho bạn Alicetaria February - Nữ kị sĩ đã trải qua nhiều bi kịch và mất mát vì khói lửa chiến tranh trong tác phẩm Alicetaria of the Scarlet. Hay tươi sáng và trẻ con hơn một tí, ma pháp thiếu nữ chẳng hạn, Re:CREATORS sẽ đem đến cho bạn Kirameki Mamika, cô bé phép thuật trong chương trình thiếu nhi Magical Slayer Mamika. Hoặc thậm chí nữa nhé, eroge cũng được góp mặt trong Re:CREATORS luôn! Với nhân vật nữ chính đầy gợi cảm nhưng cũng nhút nhát là Hikayu Hoshikawa trong tựa game 18+ Star Sky ☆ Milky Way.
Và với sự đa dạng như vậy, studio TROYCA đã có thể xây dựng được những mối quan hệ đầy thú vị giữa các CREATIONS với nhau khi mà có vài người dường như đối lập hoàn toàn về tính cách, lý tưởng hay thứ mà bản thân CREATION đại diện cho. Chẳng hạn như là mối quan hệ giữa Alicetaria February và Kirameki Mamika. Như mình đã nói ở trên, Alicetaria vốn xuất thân từ một tác phẩm kì ảo đen tối nên cô có một cái nhìn rất tiêu cực, mang nặng sự đen tối lẫn bi kịch về thế giới. Trong khi đó Mamika thì trái lại khi cô bé dường như luôn tin vào tình bạn, niềm tin và tinh thần đoàn kết. Nửa đầu Re:CREATORS đã khai thác mối quan hệ này đến triệt để, khi mà Alicetaria đã cho Mamika một cái nhìn chân thực hơn về việc thế giới thực khác phim hoạt hình cho trẻ em, và Mamika cũng vậy, khi cô bé đã phần nào sưởi ấm trái tim băng giá của Alicetaria bằng cách cho nữ kị sĩ thấy rằng ở trên thế giới vẫn có cái đẹp.
Nhưng khoan đã, nếu chỉ có vậy thì đã hết rồi sao? Câu trả lời là không. Re:CREATORS còn khéo léo khai thác thêm một khía cạnh tâm lý nữa của các nhân vật CREATORS, đó là việc họ nhận ra thế giới mình đang sống chỉ là do sự sáng tạo của một kẻ khác, và sự tương tác của họ với người đã sáng tạo ra mình nữa. Dĩ nhiên mỗi nhân vật sẽ có một cách ứng xử khác nhau thôi, chẳng hạn như là NPC Meteora, cô sau khi tận tay chơi thử tựa game có mình tham gia là AVALKEN of Reminisce thì đã ngay lập tức yêu quý đấng sáng tạo, thế giới thực và mọi thứ của nó dù cho trước đó không hề quan tâm. Lý do là vì cô thấy được khả năng sáng tạo vô tận của thế giới thật này, thể hiện qua tâm huyết và tình yêu của những con người đã ngày đêm cống hiến trong tựa game có mình góp mặt. Thậm chí cô còn muốn có cơ hội sáng tác một tác phẩm cho riêng mình ở thế giới thực này nữa. Hay hãy bàn tiếp về Alicetaria, cô căm phẫn thế giới thực và người đã sáng tạo ra cô vì suy nghĩ rằng tất cả mọi nỗi đau, mọi bi kịch mà cô lẫn thần dân ở vương quốc của mình phải gánh chịu đều chỉ là thứ hư cấu, sinh ra để làm trò giải trí mua vui cho thiên hạ. Đến mức mà cô bắt cóc người sáng tạo mình rồi bắt anh ta sửa lại câu chuyện.
Nhưng cái hay cũng chỉ dừng lại ở đây, càng về sau những khuyết điểm trong Re:CREATORS lại càng ngày càng được lộ rõ. Đầu tiên là ở thế giới thực trong Re:CREATORS khi mà những nhân vật hư cấu xuất hiện. Đừng hiểu lầm ý mình nhé, mình không chê yếu tố world-building (xây dựng thế giới) của Re:CREATORS đâu khi mà nó đã được làm dù không nổi bật nhưng đủ tốt rồi, với 2 yếu tố quan trọng nhất là “sự chấp nhận” và “năng lực phục hồi”. Ở đây “sự chấp thuận” là sự chấp thuân của khán giả, tác giả có thể thay đổi nhân vật hư cấu xuất hiện trong thế giới thực và làm họ mạnh lên tuy nhiên, nếu không được khán giả chấp thuận thì điều đó không thể xảy ra được. Còn về “năng lực phục hồi” thì là của… Trái đất. Ở trái đất, thế giới thực vẫn tồn tại những định luật vật lý, những kiến thức khoa học cơ bản mà đã được các nhà khoa học khám phá ra suốt nhiều năm trời và đến bây giờ vẫn còn tiếp tục. Chính nhờ “năng lực phục hồi” này mà việc các nhân vật vốn ở dạng 2D có thể có cơ thể như người thật là có thể, tuy nhiên nó cũng có giới hạn của nó mà thôi. Các nhân vật vẫn có sức mạnh của mình như ở tác phẩm gốc của họ nhưng họ không thể sử dụng được nó tự do, vì nếu vậy sẽ gây mâu thuẫn với những định luật và kiến thức của thế giới thật, từ đó có thể dẫn đến sự diệt vong. Điều này hay vì nó góp phần làm cho câu chuyện của Re:CREATORS thêm phần logic và phức tạp, mọi trận đánh hay kế hoạch đều phải suy tính thật kĩ lưỡng chứ không thể lao ra dùng sức mạnh bem nhau giữa phố phường được.
Mà khoan đã, nếu đã như vậy thì ở đây mình đang muốn chê cái gì? Chính là cách truyền tải thông tin về thế giới đó. Công bằng mà nói, Meteora trong vai trò là một NPC của trò chơi điện tử với vai trò cung cấp thông tin cho người chơi, nên việc cô biết và hiểu về cơ chế hoạt động của thế giới thực cùng với đó là đưa thông tin mình hiểu đến cho người xem là hợp lý, nhưng vấn đề ở đây là… TROYCA đã quá lạm dụng điều này. Bạn muốn biết vì sao cái này lại như thế này trong Re:CREATORS? Chèn 1 đoạn thoại dài giải thích của Meteora vào. Đó đúng nghĩa là tóm tắt của cách mà Re:CREATORS đưa thông tin cho bạn xuyên suốt 22 tập phim, khô khan và nhàm chán (dù đúng là cũng có vài lúc được làm tinh tế nhưng mình thấy chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi). Nhưng như vậy vẫn chưa hết, vẫn còn một nhân vật đã bị studio TROYCA lạm dụng quá đà để đẩy cốt truyện đi tiếp là Magane Chikujoin - Một CREATION phản diện đến từ tác phẩm Record of the Night Window Demon. Magane quá overplay (đơn giản là mạnh), khi mà dễ dàng một mình thao túng tâm lý những nhân vật khác cộng với đó là có sức mạnh và thể chất kinh khủng đến quá đáng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cái kết của Re:CREATORS, khi mà đội ngũ đạo diễn lẫn biên kịch của TROYCA không thể tìm ra cách cho cô một cái kết đủ thỏa mãn nên đã quyết định… xóa cô đi luôn. Thành ra cái kết của Re:CREATORS dù không quá tệ, nhưng lại thiếu đi sự trọn vẹn nó vốn dĩ đã có thể có được.
Nhưng thôi, bàn về cốt truyện và nhân vật như vậy là đủ rồi, mình vẫn muốn nói tiếp về nhiều mặt khác nữa của Re:CREATORS. Đầu tiên là về art và animation đi, dù cho không thể bằng được những tác phẩm của những studio thuộc hàng đàn anh hay nhiều kinh nghiệm như BONES, MADHOUSE, Ufotable, Kyoto Animation,... nhưng mình vẫn sẽ dành lời khen cho đội ngũ phu trách mảng này tại TROYCA. Nó đủ để nhìn, vẫn có những trận đánh sẽ khiến bạn phải nín thở, những khoảnh khắc kết liễu hay biến hình đầy đã mắt (Selesia Flame Excalibur!), và quan trọng hơn cả là sự ổn định. Gần như không tồn tại dấu hiệu của tụt kinh phí hay làm sơ sài, mọi tập phim đều có chất lượng tốt. Dù vậy thì… nếu phải chỉ ra khuyết điểm thì mình thấy TROYCA làm 3D CGI vẫn còn hơi lộ liễu và thiếu thẩm mĩ ở hai con Mecha (Robot khổng lồ) của Selesia Upitiria và Kanoya Rui - Nam chính của bộ anime Monomagia: The Infinite Over Machine. Hy vọng TROYCA có thể khắc phục điểm này trong tương lai.
Tiếp theo, nhạc đi nhỉ? Theo gu nghe nhạc của mình thì có thể nói rằng Hiroyuki Sawano đã làm hoàn hảo mặt này, không làm mình phải thất vọng. Ở ngay tập 1 của Re:CREATORS thôi mình đã ngay lập tức bị choáng ngợp bởi bài Layers với giai điệu điện tử đầy sôi động và kịch tính rồi. Hay còn cả những Mugen God Machine, Brave The Ocean,... nữa chứ. Soundtrack thực sự đa dạng với những bản nhạc nhiều sắc thái khác nhau, và mình đã nghiện cái soundtrack này đến mức nghe đi nghe lại luôn ấy! Bạn nào quan tâm có thể lên youtube hay những nền tảng chia sẻ video hoặc nhạc khác để nghe thử nhé. Còn về hai ca khúc mở màn là gravityWall và sh0ut thì mình cũng đánh giá rất cao, phù hợp với một bộ anime hành động kịch tính cùng với đó khắc họa được phần nào câu chuyện của Re:CREATORS nếu bạn nghe kĩ lời đấy. Còn ca khúc kết thì… mình không quá ấn tượng với NEWLOOK của Mashiro Ayano hay Rubikon của Sangatsu no Phantasia dù công bằng mà nói thì nghe vẫn rất hay và phù hợp với câu chuyện của Re:CREATORS. Nhưng riêng bài World Étude của Toyosaki Aki (Seiyuu - Người lồng tiếng cho nhân vật Altair) thì khác. Ca khúc thực sự hay, toát lên được cảm xúc thương cảm của Altair cho cô gái trẻ Shimazaki Setsuna, đồng thời là cả sự hận thù với những kẻ đã đẩy Setsuna đến con đường ray đau đớn kia. Tuy nhiên đáng tiếc ca khúc chỉ được xuất hiện ở tập 13, một tập tóm tắt (re-cap) của Re:CREATORS mà thôi.
• Tạm kết:
Re:CREATORS quả thực với mình là một tác phẩm dù chưa hoàn hảo, nhưng vẫn rất hay nhờ có một ý tưởng mới lạ và một cốt truyện đầy nhân văn dưới lớp vỏ hành động giải trí đơn thuần. Vậy nên mình vẫn thực sự khuyên các bạn xem thử, cho Re:CREATORS một cơ hội, đảm bảo sẽ không phí thời gian của các bạn đâu.