Tenet
Tenet: Mật Mã Thời Gian
Tenet là câu chuyện nói về một điệp viên CIA với biệt danh The Protagonist (nhân vật chính) được một tổ chức bí mật chiêu mộ cho nhiệm vụ giải cứu thế giới thoát khỏi thế chiến thứ III. Đồng hành cùng với anh trong nhiệm vụ này là Neil – một điệp viên da trắng có tung tích mờ ám. Để bắt đầu nhiệm vụ của mình, họ tìm đến những tên buôn vũ khí nguy hiểm nhất thế giới nhằm khám phá ra nguồn gốc của những hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra gần đây. Đánh giá: Tenet không phải một bộ phim giải trí đơn thuần bởi vì cảm giác xem phim rất dồn dập và chứa lượng thông tin cũng như nhịp độ vô cùng nhanh. Nhưng cái gì càng khó hiểu, càng khiến chúng ta tò mò thì càng có sức hấp dẫn. Vì vậy, Tenet nói riêng và các tác phẩm trước đây của Đạo diễn Nolan nói chung được giới mộ điệu cũng như người hâm mộ điện ảnh tán dương, đơn giản vì nó quá phức tạp, cho thấy được tầm nhìn và sự đam mê khoa học của Christopher Nolan. Khái niệm mà Tenet mang đến cho người xem ở bộ phim này chính là sự “đảo ngược” (Inversion) của dòng thời gian. Đến đoạn này hầu hết chúng ta bắt đầu được phim tiêm nhiễm về khái niệm “đảo ngược” dòng thời gian, nhưng sẽ bị cảm giác vừa hiểu nhưng lại không hiểu, vừa nghĩ rằng mình nắm bắt được cốt lõi vấn đề nhưng qua cảnh khác thì phải thốt lên ‘mình đang xem cái quái gì thế’. Thực sự từ đầu năm đến giờ không có phim nào làm được điều này, hầu hết quá dễ đoán. Nhưng chính nhờ điều này khiến chúng ta muốn đi xem phim lần 2, lần 3 và có khi là nhiều lần nữa… Bên cạnh hình ảnh đẹp, âm thanh sống động tạo cảm giác hồi hộp tốt thì nội dung chính là thứ khiến chúng ta phải dán mắt vào màn hình, bởi vì chỉ cần bỏ lỡ một phút không tập trung thôi, bạn sẽ không còn hiểu gì nữa vì mạch phim của Tenet siêu nhanh, thoại nhiều và hành động diễn ra liên tục đẩy người xem không thể không rời mắt khỏi màn hình mà phải xem liên tục cũng như tiếp nhận thông tin từ phim mà không được lơ đễnh (như kiểu thi đại học vậy). Trước khi Tenet ra rạp, nhiều ý kiến cho rằng đây là phần tiếp theo của Inception (2010). Tuy nhiên khi xem phim xong thì chắc chắn rằng hai bộ phim này nói về hai đề tài khác biệt hoàn toàn và không hề có kết nối giữa hai bộ phim, đây là hai phim riêng biệt. Với một khối lượng thông tin đồ sộ mà phim mang đến, thực sự chúng ta sẽ bị mù mờ vì không biết phim muốn truyền tải nội dung gì. Tuy nhiên điều mà Tenet muốn hướng tới đó chính là tác động của mọi điều ở hiện tại sẽ mang đến những hậu quả khôn lường trong tương lai. Bên cạnh đó, tương tự như các bộ phim khác của mình, Nolan cũng lồng ghép một câu chuyện tình đầy ngang trái vào mạch phim chính của Tenet nhằm khắc họa những tủi nhục, đau đớn mà người phụ nữ phải hứng chịu khi gặp phải những người đàn ông vũ phu, thích chiếm hữu. Tenet vẫn có những điểm yếu nhất định. Chắc chắn có người xem sẽ cảm giác như chính đạo diễn cũng bị mơ hồ trong cái kịch bản do ông tự tay viết nên. Phim không hề có một lời giải thích nào cho người xem hiểu được về nguyên lý vận hành của khái niệm đảo ngược, từ đó khiến những người xem phim giải trí trở nên chán nản và bỏ về giữa chừng. Tenet cũng đang còn rất nhiều khoảng trống bị bỏ ngỏ mà chưa được giải quyết thỏa đáng, phim quá nhanh là một trong những yếu tố khiến người xem bị bơ vơ, lạc lõng giữa những dòng thời gian và không gian khác nhau mà phim vạch ra. Phản diện lẫn chính diện của phim vẫn chưa có chiều sâu, chưa có câu chuyện riêng để phát triển. Hầu hết họ chỉ làm tròn vai diễn. Các nhân vật trong Tenet chưa đủ sức để gây ấn tượng. Hình ảnh: Hình ảnh của Tenet rất tốt. Việc kết hợp màu sắc, các góc quay đại cảnh và cận cảnh đều được tính toán, mang đến cho chúng ta những trải nghiệm mới tốt hơn so với những phim trước của Nolan (thể loại hành động không phải là điểm mạnh của vị đạo diễn này). Điểm thú vị nhất của phần hình ảnh, đó chính là những phân cảnh hiện tượng đảo ngược với sự sắp đặt, bố trí các tình tiết một cách tỉ mỉ, cân nhắc từng chi tiết nhỏ nhất, từ đó kết hợp lại với nhau thành một tổng mang tính ấn tượng và khiến cho phải ngỡ ngàng. Âm nhạc: Không còn Hans Zimmer, nhưng dưới bàn tay của Ludwig Göransson, Tenet được khoác thêm một lớp áo của sự hoàn mỹ với những bản nhạc nền đậm chất kinh điển nhưng lại được sáng tạo lại khiến cho âm nhạc trong phim mang một nét gì đó rất tương lai. Đối với phần tiếng động thì phim chắc chắn sẽ khiến bạn vô cùng hài lòng vì sự sống động, chân thật và rung bần bật trên ghế ngồi (IMAX). Diễn xuất: Tenet chỉ xoay quanh 4 nhân vật chính là The Protagonist (John David Washington thủ vai), Neil (Batman – Robert Pattinson đảm nhiệm), Kat (Elizabeth Debicki đóng) và Andrei Sator (Kenneth Branagh). Cảm giác là diễn xuất của họ đều ở mức tròn vai chứ chưa thực sự quá ấn tượng để nhắc đến họ là người ta nghĩ ngay tới phim Tenet được. Tuy nhiên, khó lòng có thể phủ nhận độ đẹp trai của 2 anh điệp viên trong phim và chiều cao 1m9 cùng sự quý phái mà Debicki tạo ra. Tóm lại, Tenet là một bom tấn được thả vào các rạp chiếu phim sau gần 6 tháng bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên đây có lẽ không phải là một bộ phim thích hợp để xem một mình vì phim chứa nhiều thông tin cũng như nhiều học thuyết xoắn não nên sẽ thật tuyệt nếu chúng ta đi cùng bạn bè. Phim cũng dành cho những ai thực sự thích cách làm phim của Nolan cũng như thích những câu chuyện được lồng yếu tố khoa học tràn đầy sự “hack não” trong kịch bản mà Nolan viết lên. Và bộ phim này không thể coi 1 lần, hãy sẵn sàng ra rạp lần 2 để có thể hiểu được toàn bộ bộ phim nhé!