Nội dung chính phim Tư Đằng
Tư Đằng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Vĩ Ngư. Nhà thiết kế trẻ Tần Phóng (Trương Bân Bân) trong quá trình tìm ân nhân đã gặp tai nạn ngã xuống vách núi. Cành cây nhọn đã đâm thẳng vào tim, máu của anh vô tình đánh thức yêu nữ Tư Đằng, giúp cô sống lại đồng thời giúp anh hồi sinh.
Hai người vì thế mà dây dưa với nhau, cùng nhau đi tìm lời giải đáp cho bí ẩn về thân thế của Tần Phóng, bí mật về cơ thể bán yêu của Tư Đằng. Trong quá trình khám phá bản thân, hai người dần dần mở lòng, thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau. Thế nhưng người và yêu liệu có kết quả? Bán yêu trở lại có đem theo tai họa cho nhân gian? Tần Phóng liệu có thể bỏ qua nghi hoặc trong lòng?
“Mỹ nhân Bắc Kinh” Cảnh Điềm là điểm sáng của Tư Đằng
Sự trở lại của Cảnh Điềm với vai diễn Tư Đằng lần này đã khiến nhiều người phải trầm trồ. Quả không hổ danh là “đệ nhất mỹ nữ Bắc Kinh”, tạo hình dân quốc với lông mày lá liễu, đôi môi đỏ mọng, làn da trắng muốt, mắt long lanh khiến người xem cũng phải thốt lên “đúng là khí chất nữ vương!”. Vẻ đẹp kinh diễm của Cảnh Điềm tựa như đóa hoa mẫu đơn, sang trọng, quý phái, đài các, rực rỡ, đầy phú quý, vương giả.
Chỉ mới lên sóng 10 tập đầu tiên, thế nhưng yêu nữ Tư Đằng đã được tổng tài Tần Phóng ưu ái tài trợ đến… 16 bộ sườn xám. Bộ nào cũng đẹp long lanh, tôn lên dáng người chuẩn nét Á Đông của “mỹ nữ Bắc Kinh”. Cư dân mạng đùa rằng “Tư Đằng nên mở một show diễn thời trang đi thôi”.
Người chỉ đạo trang phục cho bộ phim, thầy Lý Manh đăng weibo chia sẻ hầu hết các bộ trang phục đều là thiết kế riêng, cắt may theo dáng người của Cảnh Điềm. Các bộ trang phục được thêu tay tỉ mỉ họa tiết, đính thêm nhiều chi tiết đắt giá. Bởi vì Tư Đằng là bán yêu, lại sống từ thời Dân quốc nên trang phục của cô cũng phải thể hiện được sự tao nhã, sang trọng mà vẫn giữ được nét ma mị, quyến rũ.
Tư Đằng chau chuốt từng thước phim, đầu tư vào cốt truyện
Không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp của nữ chính, bộ phim Tư Đằng còn thu hút người xem bởi những khung hình đẹp long lanh về thiên nhiên, cảnh sắc, động thực vật của Vân Nam, Shangri La, và thành cổ Lệ Giang.
Quá trình chuyển thể của bộ phim đã làm bớt đi không khí kinh dị và bí bách của tiểu thuyết, đồng thời cải biên nhân vật Tư Đằng thêm nét sinh động và đáng yêu. Bộ phim có sự đan xen của “thiện” và “ác”. Cái “ác” tồn tại trong tình yêu và thù hận. Cái “thiện” thể hiện qua yêu thương, nuối tiếc cho thảm thực vật đang ngày càng mất đi. Thêm vào đó, nhịp điệu cốt truyện chặt chẽ, luôn có bất ngờ, đặc biệt hấp dẫn người xem.