Vương Quốc Trăng Lên
Moonrise Kingdom
Phim đặt bối cảnh vào năm 1965, tại một hòn đảo hư cấu tên New Penzance, thuộc bang New England. Cô bé Suzy, sống cùng cha mẹ và ba em trai, ngóng chờ một lá thư từ cậu bạn Sam. Hai đứa trẻ gặp nhau trong một buổi diễn nhà thờ, và trở thành bạn qua thư suốt một năm. Suzy mắc chứng trầm cảm, gặp vấn đề kiềm chế cảm xúc và có khuynh hướng bạo lực. Sam mồ côi cha mẹ, không thể kết bạn và gây nhiều rắc rối cho gia đình nhận nuôi. Cậu bé đang là thành viên của nhóm Hướng đạo sinh mùa hè. Bị cô lập giữa những người xung quanh và tổn thương tâm lý, hai đứa trẻ nhanh chóng thân thiết. Chúng lập kế hoạch trốn chạy khỏi thế giới đó. Một ngày nọ, Sam thu gom hành lý, để lại thư từ chức nhóm Hướng đạo, và chèo thuyền đến gặp Suzy. Cả hai hẹn gặp trên cánh đồng, sau đó cùng nhau đi đến một con lạch nhỏ. Chúng mong muốn lập ra một vương quốc riêng và sống chung ở đó. Điều này gặp cản trở bởi nhóm tìm kiếm đầy âu lo gồm nhóm hướng đạo, ông cảnh sát đảo và cha mẹ Suzy. Trong khi đó, cơn bão lớn lịch sử đang đến gần và đe dọa sự an toàn của tất cả mọi người. Phim không đi sâu vào việc giải thích lý do hay mô tả những rạn vỡ trong các mối quan hệ, đó là hướng đi của người lớn. Moonrise Kingdom (Vương Quốc Trăng Lên) vẫn là bộ phim hướng về trẻ em, đặt thế giới dưới góc nhìn trong veo của chúng, và cách để những đứa trẻ cô đơn nhất tìm thấy niềm cảm thông. Sam và Suzy nghĩ đó là tình yêu, như lời Sam kể “có điều gì đó xảy ra ngay lần đầu tiên gặp gỡ”, nhưng cũng có thể chúng đã nhìn thấy chính mình trong người kia. Không có bạn bè, bị bỏ rơi, tổn thương, và hoàn toàn lạc lối giữa những người xung quanh. Dù nỗi đau khiến Sam và Suzy trông có vẻ già dặn và thông minh trước tuổi, thì tâm hồn cả hai vẫn là của những đứa trẻ. Chính vì thế, chúng vẫn làm những trò trẻ con ngây ngô đáng yêu. Cách giải quyết vấn đề cũng thật trẻ con, bỏ đi và tìm kiếm một vùng đất thần tiên. Ở bên trong, Suzy là cô bé mơ mộng với những phép màu cổ tích. Còn Sam vẫn là cậu bé hiếu động, tò mò. Chính điều này lại giúp phim nhẹ nhàng và lãng mạn hơn. Sở hữu một dàn sao “khủng” gồm Bruce Willis, Edward Norton, Bill Murray, Tilda Swinson… Trừ Bill Murray, không ai trong số họ chuyên trị các vai hài. Các nhân vật trong Moonrise Kingdom cũng không cố gây cười, mỗi nhân vật đều nghiêm túc và có phần bi thảm bên trong. Nhưng bộ phim vẫn toát lên một vẻ dí dỏm rất lạ lùng và khiến người xem thích thú. Điều đó đến từ cách sắp xếp các chi tiết, bối cảnh, tình huống tưởng như vụt vặt nhưng đầy sáng tạo. Như ngôi nhà cây cao vời vợi, cách mẹ Suzy dùng loa gọi con, những đứa trẻ mới 6, 7 tuổi lại tập nghe cách cấu thành của nhạc giao hưởng, lồng ghép truyền thuyết con tàu Noah… thậm chí cả trường đoạn cơn bão cuối phim, vẫn khiến người xem phải cười khúc khích bởi sự thú vị trong cả nhịp phim và khung hình. Tập trung vào chuyến phiêu lưu của đám trẻ con, nhưng không vì vậy mà chân dung những người lớn bị xem nhẹ. Bill Murray, như thường lệ, chỉ cần một cảnh nhỏ bé ngồi cạnh thân cây bị chặt quá nửa, đã đủ để thể hiện sự buồn bã và bất lực. Ngài cảnh sát Bruce Willis hiền lành và day dứt với tình yêu không được đáp trả. Anh hướng đạo viên Edward Norton yêu thương lũ trẻ bằng cả tấm lòng. Và cả những đội viên hướng đạo sinh, vừa ghét bỏ cặp đôi Sam-Suzy xong lại quay sang ủng hộ và giúp đỡ. Những đứa trẻ chỉ làm những điều chúng thấy thú vị, còn những cảm giác tiêu cực khác đều chỉ là theo số đông. Sự tinh tế trong cách miêu tả tâm lý cũng là một thế mạnh trong phong cách làm phim của Wes Anderson. Nỗi cô đơn của Sam và Suzy đã được xoa dịu khi tìm thấy nhau, kể cả những tổn thương cũng đã vơi đi khi được sẻ chia. Vì thế, cả hai không thể sống thiếu nhau nữa. Mối liên hệ bền chặt ấy tạo nên những khoảnh khắc xúc động trong phim. Vòng tay ôm chặt vào buổi sáng ở bờ biển, như hai sinh linh yếu đuối sợ hãi sợ mất nhau mãi mãi, và cả lựa chọn khi đứng trên mái nhà thờ vào ngày giông bão. Một kết thúc hạnh phúc, theo nghĩa đúng của từ này, chỉ đến từ sự thỏa hiệp. Những người lớn học cách tôn trọng sợi dây tình cảm giữa những đứa trẻ, tôn trọng cảm xúc của chúng. Đó là cách để họ tạo ra vương quốc yên bình cho Sam và Suzy, và cho chính họ. Hollywood có rất nhiều đạo diễn giỏi, thậm chí cực giỏi, nhưng rất ít người tạo ra cho mình một phong cách riêng, độc nhất và không thể nhầm lẫn. Wes Anderson là một trong số đó. Sự kết hợp giữa lối dẫn chuyện độc đáo, cách sắp xếp khung hình, cùng phong cách hoạt họa đặc trưng, mà bộ phim hoạt hình Fanstatic Mr. Fox là một ví dụ, luôn tạo ra một không gian phim kỳ thú riêng biệt. Thế giới trong Moonrise Kingdom được tạo nên từ phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, lồng ghép chất nhạc cổ điển và sự tỉ mỉ trong các chi tiết, nhịp phim, góc quay. Trước hết, không gian phim là một bức tranh mang màu sắc mộng mơ, lạ lùng. Ba sắc màu chủ đạo được phối rất khéo léo để tạo ấn tượng, màu đỏ từ căn nhà búp bê của Suzy, màu vàng của cánh đồng mùa hạ cũng như trang phục các hướng đạo viên, màu xanh của dòng nước từ những con sông, cùng với khung cảnh thiên nhiên hoang dã ở New England, tạo ra nét sống động cho ngoại cảnh. Những góc quay được trau chuốt và tinh tế. Có rất nhiều cảnh quay dài được bắt đầu từ cảnh tĩnh, vừa đặc tả cảm giác không gian vừa nói lên dụng ý. Như cảnh đầu phim, chỉ trong ngôi nhà nhỏ bé, các góc quay dài về sinh hoạt của mỗi thành viên, đã tạo nên ấn tượng về sự lẻ loi, cô độc của Suzy trong chính gia đình mình. New Penzance là một hòn đảo hư cấu, đúng với không khí mà phim vẽ nên, nhưng lại được chăm chút bằng nhiều chi tiết thực tế, như cả một đoạn giới thiệu dài về từng vùng và các đặc điểm, cũng như tấm bản đồ của Sam được vẽ lại cẩn thận. Wes Anderson biết cách cân bằng giữa hiện thực và giấc mơ, đủ để người xem bước vào một thế giới khác nhưng không hề bị lạc lõng. Âm nhạc chính là điểm nhấn quan trọng nhất để tạo ra một không gian phim đặc biệt như Moonrise Kingdom. Phim được phủ đầy bởi những bản giao hưởng cổ điển, chủ yếu của nhà soạn nhạc người Anh Benjamin Britten, với chất lãng đãng của một cuộc phiêu lưu được Wes mô tả là “màu sắc của cả bộ phim”. Cũng không thể bỏ qua bản nhạc nền do Alexandre Desplat viết riêng cho phim, được “bóc lớp” ngay từ cảnh đầu tiên, và sẽ là một món quà thú vị với người yêu nhạc nếu chịu khó chờ qua phần Credit ở cuối phim. Tất cả được hòa quyện để tạo nên một thế giới tưởng tượng của trẻ thơ, đầy màu sắc và ma thuật, đúng như tên gọi “vương quốc trăng lên”.